Dịch vụ karaoke tại Việt Nam là một ngành giải trí phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người tham gia ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, trật tự xã hội và sự phát triển bền vững, việc quản lý dịch vụ karaoke đã và đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Và để kinh doanh karaoke tốt hơn nên quan tâm những vấn đề gì? Hãy cùng SIHA tìm hiểu nhé!
1. Sự ra đời của karaoke
Karaoke, một hình thức giải trí phổ biến toàn cầu, có nguồn gốc từ Nhật Bản vào thập niên 1970. Cái tên “karaoke” được ghép từ hai từ trong tiếng Nhật: “kara” (trống rỗng) và “oke” (viết tắt của orchestra – dàn nhạc), mang ý nghĩa “dàn nhạc trống rỗng”.
Sự ra đời của karaoke gắn liền với tên tuổi của Inoue Daisuke – một nhạc công chơi keyboard cho một câu lạc bộ âm nhạc ở Nhật Bản. Mặc dù chơi keyboard được 15 năm nhưng Inoue Daisuke không biết đọc nhạc, ông cảm thấy mệt mỏi khi phải đàn cho hết khách hàng này đến khách hàng khác, hết bài này sang bài khác. Một lần, có một doanh nhân ở Kobe đến gặp Inoue và yêu cầu ban nhạc của ông chơi một số bài tủ của mình và thu âm chúng để mang về luyện tập phục vụ cho một sự kiện lớn của công ty. Điều đó khiến Inoue Daisuke trăn trở, suy tư, tự tìm kiếm, mày mò để tạo ra chiếc máy karaoke đầu tiên.
Với 425 USD, Daisuke Inoue đã sáng chế ra máy hát karaoke đầu tiên trên thế giới vào năm 1969 (mang tên Juke 8 – máy phát giai điệu các bài hát phổ biến, ai muốn sử dụng phải bỏ tiền xu vào). Khi chế tạo được Juke 8, ban nhạc của Inoue bắt tay vào việc thu âm các bài hát phổ biến với danh mục karaoke đầu tiên chỉ có 300 bài. Năm 1971, máy Juke 8 được tung ra thị trường. Ban đầu, chiếc máy nhận được khá nhiều lời than phiền của quán bar vì không ai sử dụng chúng. Không nản lòng, Inoue đã thuê những cô gái xinh đẹp và hấp dẫn nhất đến xài thử máy karaoke. Và chỉ sau một ngày, chiếc máy Juke 8 nhận được sự yêu thích của mọi người.
Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và những nỗ lực sáng tạo của Inoue Daisuke và các cộng sự, từ chiếc máy Juke 8 đã phát triển lên thành dàn nhạc karaoke. Từ chỗ không thu hút được người dùng, karaoke đã chiếm được cảm tình, sự quan tâm, thích thú của công chúng yêu nhạc trước một loại hình giải trí mới, mang lại nhiều tiện lợi, tiện ích cho con người.
Ngày nay, karaoke xuất hiện ở nhiều quốc gia, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội. Về những lợi ích mà karaoke mang lại, có thể thấy karaoke là loại hình giải trí hiện đại đáp ứng nhu cầu ca hát của nhiều người. Chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí, người dân có thể mua được những dàn máy karaoke để phục vụ nhu cầu giải trí, thưởng thức âm nhạc và hát karaoke một cách thỏa mái, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Cùng với sự phát triển của xã hội, loại hình karaoke được mở rộng hơn, không chỉ hát mà các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí khác được kèm theo tại quán. Hiện nay, hoạt động karaoke xuất hiện nhiều ở các đô thị, thành phố lớn và ở cả những làng quê nông thôn với hệ thống phòng, dàn âm thanh, ánh sáng, hình ảnh được đầu tư hiện đại, thu hút nhiều người tham gia, nhất là thanh thiếu niên, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân.
Karaoke du nhập vào Việt Nam vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, khi đất nước bắt đầu mở cửa và tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ nước ngoài.
2. Tình hình phát triển karaoke tại Việt Nam hiện nay
Hiện nay, nền kinh tế tại nước ta đang phát triển, đời sống của người dân đang được cải thiện đáng kể. Do đó, nhu cầu giải trí ngày một tăng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng đó, dịch vụ karaoke được hình thành và phát triển mạnh ở các đô thị, thành phố và cả ở những vùng quê nông thôn với các cơ sở dịch vụ karaoke được cấp phép và đi vào hoạt động.
Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 30.000 cơ sở kinh doanh karaoke với hơn 120.000 phòng hát trên toàn quốc, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Ở một số thành phố lớn như Hà Nội có khoảng 1.500 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường (trong đó có 733 cơ sở do công an quản lý, 805 cơ sở do UBND cấp xã quản lý), Thành phố Hồ Chí Minh có 449 cơ sở, tỉnh Quảng Ninh đang có 477 cơ sở, Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 150 cơ sở, Thành phố Hải Phòng có 351 cơ sở, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 400 cơ sở,…
Karaoke là một trong những dịch vụ giải trí mang lại doanh thu cao, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Theo các báo cáo kinh tế, ngành dịch vụ karaoke tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 10-15% mỗi năm. Không chỉ tăng trưởng ở các thành phố lớn, các quán karaoke truyền thống vẫn tồn tại và duy trì lượng khách ổn định, đặc biệt ở các vùng nông thôn và thị trấn nhỏ. Một số cơ sở kinh doanh karaoke đã kết hợp dịch vụ ẩm thực, tổ chức sự kiện và các hình thức giải trí khác để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức hút với khách hàng.
3. Những điểm cần quan tâm khi kinh doanh karaoke
Môi trường karaoke lành mạnh
Do nhu cầu vui chơi, giải trí của con người rất đa dạng, nắm bắt được tâm lí đó, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đã mở rộng, bổ sung thêm nhiều loại hình dịch vụ bên cạnh ngành nghề đăng ký chính là karaoke như: dịch vụ ăn uống, nhà hàng, xông hơi, massage, bi-a, thậm chí một số cơ sở còn núp bóng karaoke để buôn bán ma túy, bóng cười, chất kích thích, mại dâm,… Chính các chủ kinh doanh làm biến chất việc hát karaoke, gây ra một cái nhìn không thiện cảm về ngành nghề kinh doanh karaoke.
Một quán karaoke kinh doanh lành mạnh là cơ sở hoạt động theo các tiêu chuẩn về pháp lý, an ninh và chất lượng dịch vụ, đồng thời hướng tới mục tiêu tạo ra một môi trường giải trí văn minh, an toàn và thân thiện cho khách hàng. Cơ sở kinh doanh nên lựa chọn và kiểm duyệt các bài hát phù hợp, tránh nội dung phản cảm hoặc vi phạm pháp luật. Khuyến khích khách hàng tham gia các hoạt động văn hóa lành mạnh. Giữ phòng karaoke sạch sẽ, duy trì vệ sinh phòng hát, đảm bảo không gian thoáng mát và không mùi thuốc lá. Kiểm soát việc sử dụng rượu bia và chất kích thích trong quán.
Kinh doanh quán karaoke lành mạnh không chỉ mang lại trải nghiệm giải trí tốt nhất cho khách hàng mà còn góp phần xây dựng một môi trường văn minh, an toàn và bền vững. Đây là xu hướng tất yếu để các cơ sở karaoke phát triển lâu dài, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đảm bảo an toàn
An toàn cháy nổ: Cơ sở kinh doanh karaoke nên trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy, sử dụng vật liệu chống cháy và tuân thủ quy định an toàn phòng cháy chữa cháy, có lối thoát hiểm và nên thực hiện kiểm tra định kỳ. Tránh các trường hợp xấu xảy ra như vụ cháy tại Bình Dương năm 2022.
An ninh trật tự: Do nhiều cơ sở không có biện pháp kiểm soát khách hàng hoặc hoạt động vượt quá giờ quy định, gây mất trật tự xã hội nên cần lắp đặt camera giám sát, kiểm soát nghiêm ngặt các hành vi vi phạm pháp luật
Đáp ứng quy định pháp lý
♦ Giấy phép kinh doanh đầy đủ
Đăng ký kinh doanh hợp pháp, tuân thủ các quy định của nhà nước về dịch vụ giải trí.
Đảm bảo các yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất và giấy phép liên quan.
♦ Tuân thủ giờ hoạt động
Hoạt động trong khung giờ được phép (thường không quá 0h đêm) theo quy định địa phương.
♦ Âm nhạc hợp pháp
Sử dụng các bài hát có bản quyền và nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Minh bạch giá cả
Cơ sở kinh doanh karaoke nên công khai giá dịch vụ rõ ràng, tránh tình trạng “chặt chém” khách hàng. Bên cạnh đó, áp dụng chính sách ưu đãi hấp dẫn trong các dịp lễ,Tết hoặc cho nhóm khách hàng thân thiết.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Đầu tư thiết bị hiện đại: Sử dụng hệ thống âm thanh, ánh sáng và màn hình chất lượng cao để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Tập trung vào thẩm mỹ và tiện nghi: Thiết kế phòng hát sang trọng, thoải mái với đa dạng phong cách (hiện đại, cổ điển, trẻ trung).
Dịch vụ chăm sóc khách hàng: Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, nhiệt tình và chu đáo.
Kinh doanh quán karaoke đòi hỏi sự đầu tư và quản lý chặt chẽ để đảm bảo cả yếu tố pháp lý, chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng. Một quán karaoke thành công là nơi vừa mang lại trải nghiệm giải trí tốt nhất, vừa xây dựng được uy tín và phát triển bền vững. Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp những ai có ý định kinh doanh quán karaoke có thêm những kiến thức bổ ích cho mình.